Năm 2020, dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 33 - 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Dù thị trường xuất khẩu dệt may đang hồi phục, nhưng dự kiến, sẽ khó về đích như kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm.
Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may thiệt hại lớn do dịch Covid-19
“Ngấm đòn” từ Covid-19
Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất. Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết: Dịch Covid-19 gây thiệt hại kép đối với ngành dệt may, gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.
Bắt đầu từ cuối tháng 3, nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng, khiến xuất khẩu dệt may trở nên ảm đạm. Quý I, kim ngạch xuất khẩu giảm 2%; sang quý II, kim ngạch giảm sâu tới 27%; từ quý III bắt đầu khá hơn một chút. Tuy nhiên, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. “Năm nay, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ có khả năng đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Đây là mức giảm rất sâu” - ông Cẩm nhận định.
Báo cáo tình hình sản xuất, thương mại 10 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn do tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể, chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may thiệt hại lớn do dịch Covid-19
Khơi thông giao thương
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình hình dịch Covid-19. Sau quý I/2020, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi, chuỗi nguồn cung đã gần như trở lại như cũ. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề tiêu thụ sản phẩm là vướng mắc lớn nhất với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút.
Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm như: Kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế; bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành như dệt may, da giày, gạo nhằm đáp ứng nguồn cung để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài về việc tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung; kết nối với doanh nghiệp trong nước; giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với đối tác mới, thị trường mới. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với hệ thống thương vụ để tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp dệt may.
Ngoài những hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc khơi thông giao thương với các nước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tổ chức nhiều đợt kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp. Qua đó, các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam cũng ký kết thêm được một số đơn hàng để duy trì sản xuất và từng bước phục hồi.
Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ.
Hoàng Lan
Nguồn: http://kinhtevn.com.vn/xuat-khau-det-may-kho-ve-dich-44144.html