Cán đích 8,5 tỷ USD năm nay, xuất khẩu thuỷ sản hướng tới mục tiêu 12 tỷ USD vào 2025

BizLIVE - Trong 5 năm tới xuất khẩu thủy sản sẽ đạt tăng trưởng trung bình 7 - 7,5%, đến năm 2025 có thể cán đích với mức trên 12 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020.

Ảnh minh họa.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đưa mục tiêu trên tại Đại hội toàn thể hội viên lần 6 của VASEP tại TP.HCM hôm nay (22/12). 

NĂM 2020, XUẤT KHẨU THUỶ SẢN ĐẠT TƯƠNG ĐƯƠNG 2019 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, năm 2020 đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam với các nước.

Xuất khẩu thủy sản trong các quý I và II giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, giảm sâu nhất vào tháng 3 là 48% và tháng 5 là 16% so với cùng kỳ năm 2019. Đó là những tháng cao điểm dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu và Mỹ. 

Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng cuối năm với mức tăng trưởng 10% - 13%, điều đó cho thấy các công ty thủy sản ở Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thử thách và nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang bùng phát trên thế giới.

Xuất khẩu thủy sản hồi phục, nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng ổn định và các sản phẩm hải sản có tín hiệu khả quan từ tháng 8. Do vậy, trong 3 tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 đạt trên 7,8 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu 3 sản phẩm chính gồm: Tôm ước đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2020 ước đạt 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019. Tính đến hết tháng 11, tổng xuất khẩu hải sản đạt trên 2,9 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ 2019. ước xuất khẩu hải sản năm 2020 đạt gần 3,2 tỷ USD, gần tương đương năm 2019. 

HAI THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG

Top 6 thị trường chủ lực xuất khẩu thủy sản trong năm 2020 chỉ có 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc duy trì tăng trưởng dương so với năm 2019, tăng lần lượt là 13% và 5%, đa phần các thị trường khác đều sụt giảm so với năm 2019.

Theo đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ tháng 6 tăng với mức tăng cao hơn qua các tháng. Lũy kế hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,66 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2019.

Chế biến cá tra tại nhà máy IDI Lấp Vò ( Đồng Tháp) - Ảnh Nguyễn Huyền

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tháng 11 tăng 19% sau khi tăng 27% và 16% trong các tháng 9 và 10. Lũy kế xuất khẩu sang Trung Quốc 11 tháng năm 2020 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 3,4% và cả năm 2020 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5%. Thị trường này đang có động thái kiểm soát chặt nhập khẩu thủy sản hải sản do lo sợ lây nhiễm Covid, do vậy, mức tăng xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo thấp hơn trong những tháng tới.

Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Lũy kế xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 991 triệu USD, giảm nhẹ 2,5% so với năm 2019. Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản sụt giảm từ tháng 5 cho đến nay, mặc dù mức sụt giảm đang thấp dần, nhưng cũng khiến kết quả 11 tháng bị giảm 4,3%, đạt gần 1,3 tỷ USD. Ước xuất khẩu sang Nhật Bản cả năm 2020 đạt 1,4 tỷ USD, giảm 3%.

Đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc đạt 700 triệu USD, giảm gần 2%. Cả năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ước đạt 770 triệu USD, giảm 1,6%. Trong khi đó, xuất khẩu sang ASEAN liên tục giảm sâu 2 con số trong những tháng qua, đạt 519 triệu USD, tính đến hết tháng 11/2020, giảm 18%, ước tính cả năm đạt 569 triệu USD, giảm 18%.

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG 

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, nhờ hiệp định EVFTA và các FTA đã thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường, giúp xuất khẩu thủy sản phục hồi trong 4 tháng cuối năm và trong các năm tiếp theo. Các mặt hàng xuất khẩu chính như cá tra, hải sản và tôm chế biến tiếp tục được giảm thuế thì xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU sẽ duy trì tăng trưởng tốt hơn những tháng cuối năm 2020.    

Các rào cản thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt trong 5 năm tới, cũng như thẻ vàng IUU, dù Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành cũng như doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân đang nỗ lực cải thiện để không phạt thẻ đỏ IUU đối với ngành khai thác và hải sản xuất khẩu của Việt Nam, khi đó, những ưu đãi từ EVFTA mới có thể phát huy tốt cho ngành thủy sản.

Thị trường Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng, nhưng đồng thời sẽ siết chặt kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhất là sau khi xảy ra dịch Covid và Trung Quốc đã công bố có một số lô thủy sản nhập khẩu từ một số nước có dấu vết virus corona trên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, xu hướng của các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, bảo đảm các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và an sinh xã hội.  

Với những yếu tố tích cực từ những cơ hội Việt Nam có thể có và tận dụng được trong những năm tới, dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm vẫn đạt khoảng 1,6 tỷ USD, xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng khoảng 6% đạt 3,4 tỷ USD. 

Trong 5 năm tới xuất khẩu thủy sản có thể sẽ đạt tăng trưởng trung bình 7 - 7,5% theo đó đến năm 2025 có thể cán đích với mức trên 12 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/can-dich-85-ty-...

0912.232.672