Giá tiêu tăng mạnh bất thường, VPA họp khẩn

BizLIVE - Trước việc giá tiêu tăng nóng bất thường, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã họp đột xuất mở rộng gồm lãnh đạo VPA và đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước và doanh nghiệp FDI.

Cây hồ tiêu

Những ngày gần đây, giá hạt tiêu giao dịch tại các tỉnh Tây Nguyên ở mức xấp xỉ 80.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cách đây một tuần, cao hơn 60% so với khoảng một tháng trước. Nếu so với cùng thời điểm này năm trước, giá hạt tiêu đã tăng 200%, tức gấp 2 lần.

Theo VPA, mục đích của cuộc họp là để mọi người cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong việc đánh giá thị trường tiêu hiện nay, và tìm biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 3/2021 đạt 13.928 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 40,06 triệu USD, giảm 16,0% về lượng nhưng lại tăng 13,76% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn từ 1/1 - 15/3 xuất khẩu tiêu đạt 44.135 tấn, kim ngạch đạt 127,378 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 22,74% về lượng, giảm 0,08% về kim ngạch. 

Theo ghi nhận của Peppertrade, từ giữa tháng 2 đến nay, giá hồ tiêu Việt Nam liên tục tăng, thậm chí tăng “nóng” khi gần chạm mốc 80.000 đồng/kg trong ngày 19/3. Peppertrade thống kê, trong vòng hơn 1 tháng (từ 17/2 đến 19/3), giá tiêu Việt Nam đã tăng tới hơn 45%. Thị trường tăng nóng đã tác động mạnh đến thị trường trong suốt thời gian qua.

Những ngày gần đây, trên các vùng nguyên liệu giá tiêu nội địa liên tục tăng cao từ mức 56.000 đồng/kg ngày 3/3/2021 tăng đến 70.000 đồng/kg ngày 11/3/2021, ngày 19/3 đạt mức 79.000 đ/kg. Ngày 20/3, giá tiêu ở Đông Nam Bộ giảm nhẹ dao động từ 74.500 – 78.500 đồng/kg. Cụ thể:

Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg, đi ngang, trong khi đó tại Đồng Nai ở mức 74.500 đồng/kg. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu  ở mức 78.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước được thu mua với mức 77.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Như vậy sau khoảng thời gian tăng nóng liên tục, giá tiêu có dấu hiệu chững lại.

Nguyên nhân giá tiêu tăng “nóng” ngoài các yếu tố khách quan còn do các nhà đầu cơ nội địa chi phối. Vụ thu hoạch tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều, các đơn vị xuất khẩu đến kỳ giao hàng không có tiêu để giao bắt buộc đẩy mạnh mua vào dẫn đến việc tăng giá.

Ngoài ra, VPA cho rằng, hiện nay dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu nhờ vaccine, kết hợp với sản lượng giảm ở các nước sản xuất tiêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì nhu cầu tiêu thụ và chế biến tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. 

Thị trường người mua cao nhất cũng ở mức 3.000 USD/tấn loại 500 g/l nhưng giao dịch khá trầm lắng. Hiện một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà buôn Dubai do giá tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.

Trước những biến động của giá tiêu, VPA khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì tiêu chưa thu hoạch rộ.

Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng như thương lượng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng. Các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.

Đối với các địa phương và người nông dân cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không thu hái tiêu xanh, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên mở rộng diện tích trồng tiêu như những năm 2015-2016.

Tâm lý lo ngại giá tiêu trên thị trường sẽ có xu hướng quay đầu giảm, lúc này người dân có tâm lý lo ngại sẽ bán mạnh, điều này dễ dẫn đến giá tiêu “tuột dốc không phanh”. Nhưng thực tế vụ tiêu năm nay sản lượng giảm nghiêm trọng, trong khi dự báo nhu cầu tăng sẽ tiếp tục kéo giá tiêu đi lên những tháng tiếp theo, vì vậy người dân nên cân nhắc khi bán ra, ai cần trang trải thì bán trước, ai không gấp thì cứ để trong kho.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lượng tiêu tồn kho của Việt Nam từ vụ trước chuyển qua không còn nhiều, và sản lượng hạt tiêu năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020. Tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp. Năm 2020, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với 285.292 tấn. Brazil đạt 89.756 tấn, chiếm 18% thị phần; Indonesia chiếm 11% thị phần với sản lượng xuất khẩu đạt 51.718 tấn; Ấn Độ chiếm 12% thị phần, đạt 15.924 tấn.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn:https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/gia-tieu-tang-m...

0912.232.672