Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu trên 42 tỷ USD năm 2021

BizLIVE - Trong đó, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD và giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản trong năm tới.

Xuất khẩu gạo là điểm sáng của ngành nông nghiệp

 Cùng với đại dịch Covid-19, Dịch tả lợn châu Phi, thiên tai khốc liệt dị thường, nửa đầu năm hạn hán khắc nghiệt ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam; mặn, kiệt ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả mốc lịch sử năm 2016 và những tháng vừa qua là bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung, khiến ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với một năm 2020 nhiều thách thức chưa từng thấy.

Cũng trong năm đầy ắp những khó khăn này, ngành nông nghiệp nước nhà lại thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,65%, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực. Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn vừa tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện năm 2020 và kế hoạch năm 2021 của ngành cuối tuần qua.

Điểm sáng nhất là lĩnh vực sản xuất lúa và xuất khẩu gạo

Nhờ thực hiện các giải pháp cơ cấu lại đồng bộ trong toàn ngành, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức khá cao trên 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người…

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 41,2 tỷ USD, có đến 9 nhóm mặt hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo). Thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD. 

Theo đó, lĩnh vực sản xuất lúa và xuất khẩu gạo được cho là “điểm sáng” nhất của ngành nông nghiệp, với sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 12/2020 ước đạt 423.066 tấn, kim ngạch ước đạt 229,266 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 15,31% về lượng, tăng 0,05 về giá trị. Cộng dồn 12 tháng xuất khẩu gạo ước đạt 6,125 triệu tấn và trị giá 3,058 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,78% về khối lượng nhưng tăng 9% về giá trị. 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2020 đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất là ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam với các nước, nhưng xuất khẩu thủy sản đã hồi phục và kim ngạch năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD. Có được kết quả này là nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng ổn định ước đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Ngành chăn nuôi cũng chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn lợn nái đã hồi phục về xấp xỉ 3 triệu con, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 26 triệu con, bằng 85% tổng đầu lợn so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản

Mục tiêu năm 2021 ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp khoảng 2,7 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8 - 3,1%; trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%. 

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD và đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản trong năm 2021 để xuất khẩu các mặt hàng hải sản thuận lợi tăng khoảng 6% đạt 3,4 tỷ USD. 

Đối với ngành chăn nuôi, Cục chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 395 ngàn tấn (tăng 6%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).

Để đạt được những mục tiêu đề ra toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng dịch. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Cơ bản hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/nganh-nong-nghiep-da...

0912.232.672