Xuất khẩu cà phê sụt giảm, giá tiếp tục lao dốc

(HQ Online) - Nhu cầu cà phê trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến xuất khẩu cà phê Việt Nam liên tục ghi nhận kết quả ảm đạm. Dự báo, thời gian tới xuất khẩu cà phê chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, thậm chí ngay cả việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực cũng không tạo ra được lực đẩy cho xuất khẩu cà phê Việt.

Trong quý cuối cùng của năm 2020, chu kỳ giá cà phê sụt giảm vẫn chưa kết thúc. Ảnh: N.Thanh

Xuất khẩu giảm cả lượng và trị giá

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, XK cà phê đạt 1,25 triệu tấn và 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm, Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,2%; 9,1% và 8%. 8 tháng năm 2020, trị giá XK cà phê tăng tại các thị trường: Ba Lan (tăng 46,2%); Nhật Bản (tăng 16,4%) và Hàn Quốc (tăng 7,7%). Ngược lại, trị giá XK cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 30,1%) và Tây Ban Nha (giảm 11,6%).

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin thêm, trong tháng 9/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh biến động giảm. So với tháng 8/2020, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2020 thị trường London giảm 88 USD/tấn xuống còn 1.341 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica giao ngay tháng 12/2020 chứng kiến sự sụt giảm khi giao dịch ở mức 2.520 USD/tấn, mức giảm mạnh trong thời gian qua.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT ngày 6/10 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện chu kỳ giá cà phê giảm vẫn chưa kết thúc.

Cuối tháng 9/2020, Brazil về cơ bản đã thu hoạch xong cà phê, sản lượng ước tính niên vụ này đạt khoảng 3,5 triệu tấn cà phê, tăng khoảng 19,4% so với năm 2019 và vượt dự báo trước đây khoảng 36 nghìn tấn. Các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Columbia, Mexico hay Ấn Độ đều đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19 làn sóng thứ 2 khi đây là những nước có ca lây nhiễm và tử vong hàng đầu. Trong khi đó, Mỹ, Nga, Tây Ban Nha đã ghi nhận số lượng lớn các ca lây nhiễm và tử vong là những nước tiêu thụ cà phê hàng đầu trên thế giới.

"Thông tin dịch bệnh, kết hợp với việc Brazil bội thu, Columbia và Mexico chuẩn bị bước vào mua thu hoạch càng khiến giá cà phê sụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, giá đồng USD bất ngờ tăng mạnh trong những ngày cuối tháng do sự phục hồi của chứng khoán Mỹ, đồng Real Brazil suy yếu, thúc đẩy đầu cơ bán mạnh. Các yếu tố này đã đẩy tình hình giao dịch cà phê trên thị trường gặp nhiều khó khăn", đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nói.

EVFTA chưa thể tạo ngay đột phá

Nhắc tới XK cà phê từ đầu năm đến nay, sự kiện đáng chú ý hơn cả là giữa tháng 9/2020 vừa qua, tại Gia Lai, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tổ chức lễ XK 296 tấn cà phê đầu tiên sang EU theo Hiệp định EVFTA.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Đồng thời, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi có chỉ dẫn địa lý về cà phê. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

Dù đồng tình cơ hội mà EVFTA mở ra cho ngành cà phê không nhỏ, song ông Phan Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam - Công ty TNHH MTV (VINACAFE) cho rằng, thời điểm mắt, đây chưa hẳn là động lực thúc đẩy việc tiêu thụ cà phê Việt Nam. Nhiều DN vẫn quen theo kiểu làm ăn cũ, chỉ có một số khác đã "đi trước đón đầu". Do đó, việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU để hưởng thuế ưu đãi từ EVFTA rất khó khăn. Điều này cần rất nhiều thời gian.

Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, đặc biệt trong ngành hàng cà phê, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà NK EU yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch; đồng thời đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm cà phê. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.

Thanh Nguyễn

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-ca-phe-sut-giam-gia-tiep-tuc-lao-...

0912.232.672