Xuất khẩu da giày nhận tín hiệu phục hồi ngay trong tháng 1/2021

BizLIVE - Năm 2020 là năm đầu tiên xuất khẩu da giày của Việt Nam suy giảm sau 10 năm liên tiếp tăng trưởng cao. Tuy nhiên, kết quả tháng 1/2021 đã ghi nhận tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2021, xuất khẩu da giày các loại ước đạt 1,838 tỷ USD, tăng 2,58 % so với tháng 1/2020.

Lần đầu tiên bị suy giảm sau 10 năm liên tục tăng trưởng cao 

Thách thức từ đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 khiến kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại chỉ đạt 16,8 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm 2019. Đáng chú ý, 2020 là năm đầu tiên xuất khẩu giày dép của Việt Nam suy giảm sau 10 liên tiếp tăng trưởng cao.

Theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, cả nước có hơn 1,7 ngàn doanh nghiệp sản xuất giày dép. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho 94% doanh nghiệp sản xuất giày dép bị giảm đơn hàng. Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên từ quý III/2020, các doanh nghiệp bắt đầu nhận được đơn hàng xuất khẩu trở lại cho quý IV/2020 và đầu năm 2021 các nhà máy bắt tay vào hoạt động ngay.

Ông Đoàn Ngọc Hiếu, Giám đốc công ty TNHH Nhựa thương mại Liên Đoàn (Leedo), một trong những doanh nghiệp có sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu của TP.HCM trong năm 2020 cho biết, năm qua ngành giày dép bị tác động từ dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, ảnh hưởng đến hai đầu của chuỗi cung ứng. 

Năm 2020 doanh số của công ty Leedo đã sụt giảm rất đáng kể, từ 20 đến 30% tùy theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, từ quý IV/2020, các nhà nhập khẩu đã bắt đầu đặt hàng và các đơn hàng cũng đã tăng trở lại, nên doanh nghiệp có đủ đơn hàng hoạt động cho các tháng đầu năm 2021.

Một doanh nghiệp tại Đồng Nai cho biết, năm 2020, ngành giày dép gặp rất nhiều khó khăn, lúc đầu là thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và sau đó đầu ra bị thu hẹp vì dịch bệnh Covid-19. Từ cuối tháng 7/2020, các đơn hàng bắt đẩu trở lại nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty.

Doanh nghiệp xuất khẩu giày dép kỳ vọng sẽ phục hồi năm 2021

Theo các chuyên gia, sau Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì giày dép là mặt hàng xuất khẩu có những chuyển biến tích cực nhất. Dự báo, năm 2021 ngành giày dép có thể tăng trưởng từ 15-20%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép rất kỳ vọng năm 2021 sẽ phục hồi, vì có nhiều đơn hàng đổ về Việt Nam ngày càng nhiều, do các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đang bị ảnh hưởng dịch bệnh như Trung Quốc, Indonesia,... Cộng với hiệp định EVFTA đã được ký kết trong năm 2020 và trước đó CPTPP, nên cánh cửa vào các thị trường chủ lực là Châu Âu, Mỹ trở nên thông thoáng hơn, sẽ giúp lấy lại đà tăng trưởng như các năm trước đây, vì hiện có nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng xuất khẩu đến giữa và cuối năm 2021.

“Giày dép mỗi năm có hai mùa xuất khẩu chính là quý I đầu năm và quý IV cuối năm. Khi EVFTA có hiệu lực thì tháng 10/2020 các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu được nối lại nhờ vậy công ty không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Hiếu chia sẻ.

Một trong những nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp giày dép hiện nay là giá nhân công ở Việt Nam đang ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Để Việt Nam duy trì là nước xuất khẩu giày dép thứ 2 Thế giới và năng lực sản xuất đứng thứ 3 toàn cầu, các doanh nghiệp rất cần có những chính sách, những cơ chế về đầu tư công nghệ trang thiết bị theo tiêu chuẩn 4.0 để ngành da giày có được động lực phát triển mới. 

Ông chủ của Leedo còn cho biết thêm: “Một thương hiệu nước ngoài mà tôi không tiện nói tên trong năm 2021 họ có kế hoạch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam với giá trị gấp đôi từ 300 triệu USD trong năm 2020 lên gần 600 triệu USD. Khi các thương hiệu nước ngoài đổ thêm đơn hàng về Việt Nam thì cơ hội cạnh tranh và phát triển ngành nghề sẽ rất lớn.”

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đầu vào của ngành giày da, cho thấy ngành này đã quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Để phát triển bền vững các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu qui tắc xuất xứ trong các hiệp định đã ký kết.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày, dệt may, từ các doanh nghiệp FDI và trong nước. Hiện nay Việt Nam chủ yếu làm gia công với nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu là chính, giá trị thặng dư thu được khá thấp so với giá trị xuất khẩu, vì vậy, đây chính là cơ hội để ngành giày da tham gia sâu rộng hơn vào chuổi giá trị ngành giày dép. 

DUY KHANG

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/thuong-truong/xuat-khau-da...

0912.232.672