Xuất khẩu rau quả giảm theo lũ Trung Quốc, kẹt kiểm dịch vào Mỹ

QUANG TRÍ 15:58 31/08/2020

BizLIVE - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang gặp khó tại hai thị trường lớn.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 8/2020 ước đạt 262 triệu USD, so với tháng 8/2019 giảm 2,95%. Cộng dồn 8 tháng đạt 2,24 tỷ USD, giảm 12,09% so với cùng kỳ năm 2019.

Top 5 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu 2020 có 4 thị trường tăng trưởng tốt, nhưng ấn tượng là thị trường Thái Lan tăng đến 3,15 lần so với cùng kỳ năm 20219. Riêng thị trường Trung Quốc sụt giảm đến 28,5%.

Lũ lụt tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của rau qua Việt Nam, đạt 1,151 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm đến 28,5%.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay bị sụt giảm mạnh là do thời gian qua nước này bị lũ lụt nghiêm trọng làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn đối với mặt hàng rau quả.

Thị trường lớn thứ 2 là Hàn Quốc đạt 94 triệu USD, tăng 22,04% so với cùng kỳ năm 2019. Đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 90 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường thứ 4 là Thái Lan đạt 88,5 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng gấp 3,15 lần. Và cuối cùng là thị trường Nhật Bản đạt 79,21 triệu USD, tăng 11,87% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong tháng 7/2020 đạt hơn 13 triệu USD, so với tháng 7/2019 giảm 6,02%. Cộng dồn 7 tháng đạt 90 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Dự kiến, trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Mỹ sẽ tiếp tục giảm, vì vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu Chính phủ Mỹ có lệnh triệu hồi nhân viên về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS). Sau khi nhân viên của APHIS về nước, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng và cũng không phải chuyên môn nên từ ngày 7/8, họ không tiếp nhận việc kiểm dịch khiến việc xuất khẩu trái cây vào Mỹ bị đình trệ.

Chờ khơi thông thị trường Mỹ

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, Chính phủ Mỹ đã cho phép Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 6 loại trái cây, gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và Vina T&T đang xuất khẩu đủ các loại trái cây mà Chính phủ Mỹ đã cấp phép. Mỗi ngày Công ty đều có hàng xuất khẩu đi Mỹ nhưng từ kể từ ngày 10/8 xuất khẩu rau quả tươi sang đây đã bị ách tắc hoàn toàn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do phía Mỹ không có nhân viên để kiểm dịch.

“Công ty liên kết trồng cây ăn trái và bao tiêu sản phẩm với nông dân, bây giờ đang vào mùa thu hoạch nếu không xuất đi được đầu ra sẽ bị ách tắc làm ảnh hưởng lớn đến khâu tiêu thụ. Để tìm đầu ra cho sản phẩm chúng tôi phải chấp nhận bán rẻ qua các thị trường khác hoặc bán nội địa, còn khách hàng bên Mỹ nếu công ty không cung cấp hàng hóa kịp thời họ sẽ tìm nguồn cung từ các nước khác, và nếu để lâu khách hàng sẽ quen với nguồn cung mới thì công ty có thêm đối thủ cạnh tranh và có nguy cơ mất khách hàng.

Ví dụ, khách hàng bên Mỹ không nhập khẩu xoài từ Việt Nam được họ sẽ mua xoài của Mexico hoặc xoài của một nước nào khác, hoặc nhãn Việt Nam không sang được khách hàng sẽ mua nhãn của Thái Lan. Nếu kéo dài không chỉ công ty có nguy cơ mất khách hàng mà trái cây của Việt Nam cũng bị mất thị phần ở thị trường Mỹ”, ông Tùng chia sẻ.

Trước tình hình này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã đàm phán với phía Mỹ và yêu cầu cử người sang làm việc để hoạt động xuất khẩu trái cây sang Mỹ được tiếp tục trở lại.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã đồng ý đặc cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc. Trong thời gian chờ chuyên gia Mỹ sang Việt Nam và để hoạt động xuất khẩu trái cây sang Mỹ sớm trở lại bình thường kể từ tuần này, nhân viên Đại sứ quán Mỹ sẽ đảm nhận việc giám sát xử lý trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo quy định, chiếu xạ là khâu bắt buộc phải có đối với việc xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ. Tuy nhiên, trước khi chiếu xạ khâu kiểm dịch là quan trọng nhất.  

Nhân viên APHIS sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng của lô hàng để đưa vào phòng kiểm dịch, cắt ra, quan sát bằng mắt thường và kính lúp xem có vi sinh vật hay không. Trường hợp, sản phẩm không có vi sinh vật là đạt yêu cầu và lô hàng mới được đưa vào nhà máy chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Ngược lại nếu không đạt, lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được.

QUANG TRÍ

Nguồn: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/xuat-khau-rau-qua-giam-theo-lu-trung-quoc-ket-kiem-dich-vao-my-3550996.html

0912.232.672