Xuất khẩu thuỷ sản dồn lực cho tháng cuối năm

BizLIVE - Còn chưa đầy tháng nữa là hết năm các doanh nghiệp thuỷ sản đang chạy nước rút để hoàn thành các đơn hàng đã ký.

Chế biến tôm tại cửa ngõ Cafatex (Cần Thơ)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 11/2020 ước đạt 708,025 triệu USD, so với tháng 11/2019 giảm 7,54%. Lũy kế 11 tháng xuất khẩu ước đạt 7,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 2,18%.

Top 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm: 5 tăng, 5 giảm!

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), top 10 thị trường xuất khẩu thuỷ sản trong 11 tháng đầu năm lần lượt là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, ASEAN, Anh, Canada, Úc và Nga. Trong đó, có 5 thị trường tăng là Mỹ (9,2%), Trung Quốc (1,7%), Canada (15,3%), Úc (3,1%) và Nga (238,5%).

Tuy Nga có mức tăng đến 3 con số nhưng do thị trường này có giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm chỉ đạt 120,12 triệu USD nên không tác động nhiều lên kim ngạch chung của xuất khẩu thuỷ sản.  

Trong khi đó tại thị trường số 1 Mỹ, kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2020 đạt trên 122,138 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 11/2019. Cộng dồn 11 tháng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đạt 1,465 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2019.

Thị trường thứ 2 là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 ước đạt 146,53 triệu USD, tăng 5,6% so với tháng 11/2019. Cộng dồn 11 tháng ước đạt 1,297 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2019.

Riêng thị trường thứ 3 Nhật Bản, xuất khẩu trong tháng 11/2020 giảm đến 17,8% ước đạt 112,312 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng ước đạt 1,272 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý nhất là thị trường EU, với dân số gần 500 triệu dân nhưng nhập khẩu thuỷ sản của nước này trong tháng 11/2020 chỉ đạt 66,658 triệu USD, giảm 11% so với tháng 11/2019. Cộng dồn 11 tháng xuất khẩu vào EU chỉ ước đạt 874,28 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường có kim ngạch lớn thứ 5 làn Hàn Quốc, xuất khẩu thuỷ sản tháng 11/2020 chỉ đạt 31,11 triệu USD, giảm 7,3%. Cộng dồn 11 tháng đạt 691,54 triệu USD, giảm 2,1%.

Xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm

Hai mặt xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản là tôm và cá tra. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sụt giảm ở hầu hết top 10 thị trường chính kéo giảm kim ngạch xuống đến 25,5%, ước đạt 1,356 tỷ USD, đặc biệt tại 4 thị trường top đầu đều giảm 2 con số.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2020, xuất khẩu cá tra ước đạt 143,60 triệu USD, giảm 14,7% so với tháng 11/2029, cộng dồn 11 tháng ước đạt 1,357 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ 2019.

Top 4 thị trường chính gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN và EU đều sụt giảm 2 con số. Theo đó, tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch tháng 11/2020 ước đạt 67,60 triệu USD, tăng 10% so với tháng 11/2019, cộng dồn 11 tháng ước đạt 496 triệu USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ 2019.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tháng 11 ước đạt 15,56 triệu USD, giảm 28,6% so với tháng 11/2019, cộng dồn 11 tháng đạt 212,30 triệu USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ 2019. Tại ASEAN - thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch tháng 11/2020 ước đạt 10,47 triệu USD, giảm 39,3% so với tháng 11/2029, cộng dồn 11 tháng ước đạt 124 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu cá tra vào thị trường EU trong tháng 11/2020 ước đạt 8 triệu USD, giảm 30,5% so với tháng 11/2029, cộng dồn 11 tháng ước đạt 116,55 triệu USD, giảm 32,3%.

Xuất khẩu cá tra sụt giảm kéo diện tích thả nuôi giảm theo, Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích thả nuôi cá tra lũy kế là 5.485 ha, chỉ bằng 73,8% so với cùng kỳ 2019. Diện tích thu hoạch đạt 2.813 ha, bằng 52% so với cùng kỳ 2019. Diện tích chưa thu hoạch ước đạt 2.672 ha. Sản lượng nuôi đạt 900.429 tấn, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cá tra nguyên liệu loại 1 ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động ở mức 23.000-23.500 đ/kg tùy hình thức thanh toán.

Xuất khẩu tôm khởi sắc

Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm các nhà máy chế biến tôm đang chạy nước rút để kịp giao hàng cho các hợp đồng đã ký, và để thu mua đủ nguyên liệu chế biến phần lớn các nhà máy đã điều chỉnh tăng giá thu mua, hiện giá tôm nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ở mức cao so các tháng đầu năm và tăng nhẹ do nguồn cung giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2020, XK tôm ước đạt 300 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng 11/2019, cắt đà tăng trưởng tốt từ những tháng trước, tuy nhiên cộng dồn 11 tháng xuất khẩu tôm ước đạt 3,43 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại thị trường số 1 Mỹ, xuất khẩu tôm tháng 11/2020 ước đạt 61,12 triệu USD, tăng 16,2% so với tháng 11/2019. Cộng dồn 11 tháng đạt 795 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ 2019.

Thị trường số 2 Nhật Bản, ước đạt 50 triệu USD, giảm 19,4% so với tháng 11/2029, cộng dồn 11 tháng đạt 544,80 triệu USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ 2019.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của xuất khẩu tôm, tháng 11/2020 xuất khẩu tôm vào nước này ước đạt 48,42 triệu USD, giảm 12,6%, cộng dồn 11 tháng đạt 502,37 triệu USD.

EU là thị trường lớn thứ 4 của xuất khẩu tôm, tháng 11 xuất khẩu tôm vào EU đạt 38 triệu USD, giảm 8% sửa chữa tháng 11/2019, cộng dồn 11 tháng đạt 475 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2019.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 nhưng Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần lớn 52,2%. Tại thị trường này, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. S ong, Việt Nam có lợi thế được miễn thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc trong khi Ecuador chịu thuế 20%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 15%, Ấn Độ 10% đối với sản phẩm tôm HS 030617.

Việt Nam được miễn thuế tôm nhập khẩu vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam chỉ mới tận dụng được 2.500 tấn/năm. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc năm nay đã tích cực hơn năm 2019, tuy nhiên tăng trưởng chưa cao và chưa ổn định. 

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/kinh-doanh/xuat-khau-thuy-...

0912.232.672